Ngày 10/3/2019, sinh viên lớp Văn hóa học K09, K10 đã có chuyến thực tế tại Cù Lao phố, Đồng Nai. Sinh viên hai lớp K9, K10 được TS. Phan Anh Tú - Phó trưởng khoa Văn hóa học, giảng viên bộ môn Di sản và quản lý di sản trực tiếp hướng dẫn thăm quan các di tích tại Cù Lao phố.

TS. Phan Anh Tú hướng dẫn sinh viên thực tế tại Cù Lao phố. Ảnh: Ngọc Nhung
Cù Lao phố là một cù lao nằm trên sông Đồng Nai, thuộc xã Hiệp Hoà, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với bốn bề sông nước bao quanh. Cù Lao phố có hệ thống di tích lịch sử văn hóa lâu đời, bao gồm 11 đình, 6 ngôi chùa, 1 thánh thất Cao Đài, 1 Tịnh xá.
Dưới sự hướng dẫn và giới thiệu của TS. Phan Anh Tú, các bạn sinh viên đã lần lượt đến tham quan các di tích tại Cù Lao phố. Đặc biệt tại chùa Đại Giác, chùa Chúc Thọ (hay còn gọi là chùa Thủ Huồng), sinh viên đã được nghe Sư chủ trì kể về sự tích nhân vật Thủ Huồng vô cùng thú vị. Vùng đất Đồng Nai là vùng đất có lịch sử hàng trăm năm, nơi lưu dấu bước chân của các bậc tiền nhân trong hành trình đi mở cõi về phương Nam.

Sư chủ trì chùa giới thiệu cho các bạn sinh viên về lịch sử của Chùa Chúc Thọ. Ảnh: Ngọc Nhung

Sinh viên trực tiếp nghe TS. Phan Anh Tú hướng dẫn khảo sát. Ảnh: Ngọc Nhung
Tiếp đến, sinh viên tham qua Thất phủ cổ miếu (chùa Ông) và đình Bình Kính (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh), đều là di tích cấp quốc gia. Tại hai di tích này, TS. Phan Anh Tú đã có những hướng dẫn chi tiết liên quan đến các vấn đề di sản và bảo vệ di sản.
Từ sân đình Bình Kính, có thể tận mắt ngắm nhìn Cầu Ghềnh (Gành) hơn 100 năm tuổi nối đôi bờ sông Đồng Nai. Dù đã trải qua khoảng thời gian thăng trầm, cây cầu vẫn là một chứng nhân lịch sử của vùng đất Đồng Nai trù phú.

Cầu Ghềnh - cây cầu trăm tuổi bắc qua sông Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Nhung

Sinh viên chụp hình lưu niệm tại di tích. Ảnh: Ngọc Nhung
Sau một ngày trải nghiệm thực tế, các bạn sinh viên có được những thu hoạch thực tế bổ ích về di sản và việc quản lý di sản hiện nay, cụ thể trường hợp Cù Lao phố. Bên cạnh đó, qua chuyến đi, sinh viên nhận thức được bài học lý thuyết trên giảng đường và mối quan hệ với thực tế là hết sức cần thiết cho sinh viên theo học các chuyên ngành Văn hoá học.

Chụp hình lưu niệm với giảng viên hướng dẫn. Ảnh: Ngọc Nhung
Tin, ảnh: Ngọc Nhung